Một vài lo ngại trước thềm năm học mới
Tối 1/9, quận Thanh Xuân quyết định di dời bớt các hộ dân ra khỏi ổ dịch ở ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi đến ở tại ký túc xá của Đại học FPT (Hoà Lạc) nhằm hạn chế tối đa phát sinh lây nhiễm, bảo đảm sức khỏe cho người dân.
|
Buổi làm quen trước năm học mới của một lớp học (trường Tiểu học Nguyễn Tuân) |
Trong số hơn 1.000 hộ dân di dời, có 169 học sinh đang theo học tại các trường trên địa bàn phường gồm: 70 em là học sinh tiểu học, cấp THCS có 56 em và 43 em là học sinh cấp THPT.
Tại trường Tiểu học Nguyễn Tuân (phường Thanh Xuân Trung), thống kê đến thời điểm này có 9 học sinh là F0. 16 học sinh là F1 và 14 gia đình đã di dời đến trường ĐH FPT (Hoà Lạc).
Theo thống kê tính đến 14 giờ, trường THCS Thanh Xuân Trung (phường Thanh Xuân Trung) có 16 học sinh F0. 12 em là F1 và 20 gia đình di dời đến trường Đại học FPT.
|
Một giờ học trực tuyến của học sinh trường THCS Thanh Xuân Trung |
Tại trường Đại học FPT, trao đổi với PV qua điện thoại, chị Trần Thanh Huyền, phụ huynh lớp 8A4 trường THCS Thanh Xuân Trung cho biết: “Tôi đang ở dãy nhà 5 tầng thuộc Đại học FPT, điều kiện sinh hoạt ở đây tốt, chỉ có điều cả dãy này chưa có mạng Internet. Tôi lo mấy hôm nữa các con khai giảng rồi vào học online mà chưa có mạng sẽ không học được. Năm nay con học lớp 8, kiến thức rất nhiều, nếu tạm nghỉ tôi lo con sẽ không theo kịp các bạn".
Một số phụ huynh khác cũng cho biết, có mạng Internet là tốt nhất, còn nếu không có, học sinh đành phải dùng điện thoại có 3G, 4G để học tập… Dù trong điều kiện nào, phụ huynh cũng đều tạo điều kiện tốt nhất cho con mình theo học trực tuyến cùng các bạn.
Tạo điều kiện tối đa cho học sinh
Cô Trịnh Hồng Vân, hiệu trưởng trường THCS Thanh Xuân Trung cho biết, ngay sau khi 2 ngõ 328 và 330 cách ly phong toả, nhà trường đã cho giáo viên chủ nhiệm gọi điện đến từng phụ huynh để nắm bắt thông tin và có những hình thức hỗ trợ các con học tập kịp thời.
|
Học sinh trường THCS Thanh Xuân Trung thích thú với những tiết học sáng tạo |
“Những em mạnh khoẻ vẫn tham gia học bình thường, với những cháu F0, phải tập trung điều trị bệnh, nhà trường sẽ có kế hoạch bổ sung kiến thức cho các học sinh sau khi đi học trở lại. Với những gia đình khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chúng tôi cũng đã có những hình thức hỗ trợ, tặng quà, động viên…
Trường hợp học sinh di chuyển đến Đại học FPT, hàng ngày chúng tôi nắm bắt tình hình, động viên phụ huynh. Những em có sức khoẻ bình thường, bố mẹ mang thiết bị theo thì các con vẫn tham gia học. Một số bạn đang ở Đại học FPT báo về, hiện nay đường truyền ở đó tương đối kém nên chưa đảm bảo được học tập. Về vấn đề này, tôi đã dặn dò phụ huynh cứ yên tâm, nhà trường sẽ có kế hoạch để bồi dưỡng riêng, đảm bảo đẩy đủ kiến thức cho các con”, cô Trịnh Hồng Vân nói.
|
Cô trò lớp 1A2, trường Tiểu học Nguyễn Tuân trong một buổi làm quen trước năm học mới |
Cô Nguyễn Thu Hà, hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Tuân cũng chia sẻ: “Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, nắm bắt tình hình và sẽ có phương án hỗ trợ, trên tinh thần là Phòng GD&ĐT, nhà trường tạo mọi điều kiện về vật chất và tinh thần cho học sinh.
Các cô giáo đang liên hệ với phụ huynh, nếu đảm bảo được đường truyền mà phụ huynh không lo được thiết bị thì nhà trường sẽ hỗ trợ, vì chúng tôi có quỹ "Máy tính cho em" của quận, của Phòng GD&ĐT. Chúng tôi đã sẵn sàng để chở máy lên đó cho các con học tập”.
Theo ông Ông Phạm Gia Hữu, trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân: Phòng GD&ĐT đang yêu cầu các trường khẩn trương thực hiện một số nội dung như:
Rà soát, báo cáo về phòng GDĐT danh sách cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong khu phong tỏa thuộc phường Thanh Xuân Trung thuộc diện F0, F1 và diện di dời cùng gia đình đến khu cách ly tập trung theo chủ trương của UBND quận để phòng chống dịch bệnh Covid-19;
Thường xuyên liên hệ, phối hợp với với cha mẹ học sinh để nắm bắt tình hình sức khỏe của học sinh; tuyên truyền giúp gia đình học sinh nâng cao ý thức và trách nhiệm, chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, không hoang mang, lo lắng;
Phối hợp với cha mẹ học sinh chuẩn bị đầy đủ các điều kiện như: sách vở, đồ dùng học tập, máy tính, thiết bị thông minh, thiết bị thu phát sóng, ... để tạo điều kiện thuận lợi cho các em tham gia học tập trực tuyến trong thời gian cách ly.
Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân rà soát, lập danh sách cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh có hoàn cảnh khó khăn; kịp thời động viên, hỗ trợ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong các khu cách ly và các bệnh nhân điều trị Covid. Có phương án bổ sung các bài học cho học sinh nếu các em không tham gia học trực tuyến theo đúng kế hoạch.
"Đặc biệt quan tâm đối tượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ, để các em được tham gia học tập ngay từ buổi học đầu tiên (ngày 6/9) theo kế hoạch năm học 2021-2022. Trong thời gian học sinh ở trong khu cách ly, giáo viên chủ nhiệm cần thường xuyên liên hệ, kịp thời giúp đỡ, giải đáp khó khăn, vướng mắc trong quá trình học tập của các em để gia đình học sinh thực sự yên tâm.", ông Phạm Gia Hữu nói.