Cùng dự: Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có Lãnh đạo, chuyên viên các Vụ Chính trị Tư tưởng, Vụ Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học; Về phía Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có đồng chí Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em; Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có đồng chí Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở, Lãnh đạo và chuyên viên các phòng ban; Về phía quận Thanh Xuân có đồng chí Nguyễn Văn Bình - TVQU, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND quận, đồng chí Lê Mai Trang - TVQU, Phó Chủ tịch UBND quận, Lãnh đạo, chuyên viên phòng Giáo dục và Đào tạo quận; Đại diện Lãnh đạo, chuyên viên phòng Giáo dục và Đào tạo 30 quận, huyện, thị xã; Cụm trưởng Cụm các trường THPT trên địa bàn Thành phố; Hiệu trưởng các trường Tiểu học, THCS và đại diện cha mẹ học sinh các trường THCS thuộc quận Thanh Xuân; đặc biệt là sự có mặt của gần một nghìn học sinh trường THCS Thanh Xuân.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ hai trên Thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp quốc về Quyền Trẻ em năm 1990. Công ước tuyên bố rằng: “Trẻ em có quyền được chăm sóc đầy đủ và toàn diện ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ cho đến khi trưởng thành”. Cam kết “Một thế giới phù hợp trẻ em” năm 2002 đã nêu rõ: “Chăm sóc cho mọi trẻ em, nuôi dạy trẻ trong một môi trường an toàn, tạo điều kiện cho các em có cuộc sống thể chất khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái, tình cảm đảm bảo”. Hệ thống pháp luật và chính sách phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em ở nước ta đã được ban hành khá đầy đủ như: Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Bộ Luật hình sự; Luật Trẻ em, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định, Quyết định, Chỉ thị liên quan đến Bảo vệ trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, hiện nay bạo lực thân thể trẻ em đã và đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Thời gian gần đây, nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra trong gia đình và trường học đã được phát hiện, khiến dư luận xã hội bất bình và lo ngại. Hậu quả của việc trẻ bị bạo hành về thể chất không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn tổn thương tinh thần, trí tuệ, sự phát triển toàn diện và tương lai của các em; ảnh hưởng đến gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực trẻ em trong gia đình, nhà trường trong đó nguyên nhân chủ yếu là do bố mẹ, thầy cô giáo và chính bản thân trẻ em chưa nhận thức đầy đủ, chưa thực sự quan tâm đến sự phát triển tâm sinh lý của các em, cũng như sự hiểu biết kiến thức pháp luật liên quan đến quyền trẻ em. Đặc biệt quyền được bảo vệ, quyền được đảm bảo an toàn của trẻ còn sơ sài, chưa quan tâm đúng mức. Nhận thức, hiểu biết của các em còn chưa đầy đủ, vẫn luôn “phụ thuộc” vào người lớn khiến cho trẻ em khó tự bảo vệ mình, dễ bị bạo lực, xâm hại hơn các đối tượng khác.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Bạo lực trẻ em đang là vấn nạn toàn cầu. Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam đã triển khai khởi động sáng kiến toàn cầu “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học” trong 05 năm tại Việt Nam với mục tiêu ngăn chặn và hướng đến chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học. Thay mặt Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường cần lồng ghép việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với cuộc hiệu quả vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; triển khai công tác tư vấn học đường và thực hiện chương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường. Các thầy cô giáo cần thường xuyên trau dồi nâng cao kiến thức chuyên môn, đặc biệt là kiến thức nghiệp vụ sư phạm; nâng cao đạo đức nhà giáo, hiểu biết và có ý thức thực hiện pháp luật, luôn phấn đấu để trở thành tấm gương sáng để học sinh noi theo; yêu thương, tận tình dạy dỗ, chia sẻ và quan tâm đối với học trò để làm tròn trách nhiệm cao cả của mình, được học trò tin yêu và luôn coi “Cô giáo như Mẹ hiền”. Các bậc phụ huynh cần luôn mẫu mực cho con trẻ noi theo, giáo dục gia đình phải được đặt lên hàng đầu và là cái nôi nuôi dưỡng, phát triển nhân cách của trẻ, hãy dành nhiều thời gian hơn nữa để quan tâm đến con em mình, thái độ quan tâm, chia sẻ của cha mẹ đến con cái hết sức quan trọng đối với quá trình phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, sức khỏe, trí tuệ và tương lai của trẻ.
Với sự hướng dẫn của các Chuyên gia tâm lý, các em học sinh trường THCS Thanh Xuân đã nhận thức sâu sắc về quyền và bổn phận của trẻ em, luôn yêu thương, kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè và những người xung quanh; không ngừng nỗ lực phấn đấu để trở thành con ngoan, trò giỏi, biết giữ gìn, bảo vệ bản thân vì tương lai tốt đẹp và cùng giúp mọi người nói không với hành vi bạo lực bằng hiểu biết, trí tuệ của mình.
Với sự yêu thương, trách nhiệm đối với trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước, các cấp, các ngành và toàn xã hội quyết tâm cùng chung tay góp sức xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, nhân rộng yêu thương, đẩy lùi và tiến tới sẽ chấm dứt bạo lực trẻ em trong gia đình, trường học./.