Trường tốp trên có thể “ảo” tới 50%
Với
hình thức tuyển sinh theo nhóm trường, dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH,
CĐ 2016 của Bộ GD - ĐT yêu cầu các trường ĐH, CĐ, các trường thành viên
của ĐHQG, ĐH vùng cần xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh của nhóm.
Ngoài
ra, đề án cần quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các trường trong
nhóm; phương thức đăng ký xét tuyển (ĐKXT) của thí sinh vào các trường
trong nhóm.
Liên
quan đến quyền lợi của thí sinh, dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2016
của Bộ cũng nêu rõ thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào các trường xét
tuyển theo nhóm trường, số ngành đăng ký tối đa trong mỗi đợt xét tuyển
thực hiện theo quy định chung.
Theo
đó, đợt I, thí sinh chỉ được ĐKXT tối đa vào 2 trường, mỗi trường không
quá 2 ngành; thí sinh không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành
đã đăng ký trong đợt xét tuyển. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng, với cách
thay đổi này thí sinh có thêm cơ hội vào 2 trường. Điều này cũng đồng
nghĩa với việc thí sinh có nhiều cơ hội hơn để chọn lựa được ngành đã
định hướng trong tương lai.
Ông
Trần Mạnh Dũng, trưởng phòng đào tạo Học viện Ngân hàng cho biết, với
cách xét tuyển năm trước thì không có gì lo lắng về thí sinh “ảo” vì đều
xét tuyển trong cùng 1 trường. Phần mềm xử lý lọc “ảo” rất tốt, xét
theo nguyện vọng ưu tiên thứ tự từ 1-4 ngành/1 trường.
Theo
ông Dũng, với năm nay, mở rộng 2 nguyện vọng 2 trường lại khác. Đây là
một chủ trương tốt để hạn chế bất cập trong việc xét tuyển năm trước
nhưng lại đặt ra bài toán: nếu không sử dụng phần mềm lọc ảo với điều
kiện là 1 kho dữ liệu chung của tất cả các trường hoặc của một nhóm
trường có mức điểm ngang nhau thì sẽ gây ra ảo lớn vì thí sinh được đăng
ký 2 nguyện vọng thì không dại gì kể cả thí sinh điểm cao hầu hết đều
đăng ký cả 2 nguyện vọng.
Số
lượng thí sinh điểm cao chắc chắn sẽ trúng tuyển cả 2 trường. Đương
nhiên, thí sinh chỉ được chọn 1 trường để học và trường kia sẽ bị ảo. Ví
dụ thí sinh đăng ký xét tuyển Học viện Ngân hàng và ĐH Ngoại thương
nhưng đều trúng thì thí sinh chỉ được lựa chọn 1 trường để học như vậy 1
trường sẽ ảo rất lớn. Đây là cái gây khó khăn cho các trường.
Là
người có kinh nghiệm nhiều năm trong công tác tuyển sinh, ông Lê Hữu
Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho
rằng, nếu cho thí sinh đăng ký vào hai trường trong đợt 1 sẽ dẫn đến tỉ
lệ ảo rất lớn, có thể tỉ lệ đó là 50%. Thí sinh có thể đỗ cả hai trường
nhưng chỉ khi nào thí sinh nhập học mới biết thí sinh chọn trường nào.
Vấn
đề thí sinh “ảo” trong tuyển sinh chỉ ở nhóm khoảng 30 – 40 trường tốp
trên. Để giải quyết vấn đề này, hiện nay đã có nhiều trường đại học liên
kết thành lập nhóm để xét tuyển chung.
“Chúng
tôi vẫn phải có phương án để dự phòng để chống “ảo”. Chúng tôi không
còn cách nào khác là dùng phần mềm để lọc “ảo”. Lọc ảo năm nay phải tham
gia vào nhóm trường . Tôi sẽ tham gia nhóm trường có mức điểm tương
đương” – ông Dũng khẳng định.
Ông
Dũng cho rằng, chúng tôi tham gia xét tuyển theo nhóm trường với mục
đích để tuyển sinh thuận lợi cho nhà trường chống ảo và thuận lợi cho
thí sinh. Khi thí sinh đăng ký tham gia xét tuyển ở nhóm này sẽ không
gặp khó, không có bất lợi khi cơ hội bị giảm đi. Bên cạnh đó, thí sinh
đã trúng tuyển NV 1 rồi sẽ không xét tuyển ở trường thứ 2 nữa, mặc dù
trường thứ 2 có điểm cao hơn.
“Với
hình thức tuyển sinh theo nhóm trường, tôi rất muốn Bộ giáo dục nên
đứng ra giúp các trường trong việc này. Mặc dù các trường được tự chủ
tuyển sinh nhưng có thể đề xuất nhờ bộ” - ông Dũng đề xuất.
Bộ GD-ĐT thừa nhận tình trạng “ảo” sẽ tăng
Trao
đổi với báo chí về vấn đề trên, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo
thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, có thể nói
rằng, tất cả những phương án tuyển sinh đều có mặt tích cực và hạn chế.
Tại thời điểm hiện nay, trong bối cảnh cụ thể sẽ không có phương án
tuyển sinh nào thỏa mãn và đạt được các thông số đảm bảo tất cả lợi ích
của phía người học, phụ huynh, các cơ sở đào tạo và toàn xã hội.
Với
những điều chỉnh cho kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, Bộ GD-ĐT và các
trường đại học, cao đẳng cũng nhận thấy, với cách thức điều chỉnh như
trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT Quốc
gia, dự báo tỷ lệ hồ sơ “ảo” sẽ tăng lên.
Để
khắc phục tình trạng hồ sơ “ảo”, ông Trinh cho rằng, trong quá trình
đăng ký xét tuyển, phần mềm quản lý thi của Bộ GD-ĐT sẽ đảm bảo thí sinh
đăng ký không vượt quá số nguyện vọng được quy định của Quy chế tuyển
sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2016.
Căn
cứ vào nhiều tham số như: số lượng hồ sơ thí sinh đăng ký xét tuyển,
chỉ tiêu tuyển sinh và qua những kinh nghiệm tích lũy nhiều năm trong
tuyển sinh, các trường đại học, cao đẳng sẽ giải quyết tỷ lệ hồ sơ “ảo”
bằng cách quyết định một số dôi dư phù hợp so với chỉ tiêu nhằm khắc
phục được hồ sơ “ảo” nhưng không được tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu theo
quy định theo mức cho phép.
Việc
làm này đã được các trường thực hiện từ nhiều năm nay khá ổn nên hy
vọng rằng, với những cách thức làm như vậy thì hiện tượng hồ sơ “ảo” sẽ
được các trường khắc phục ở mức có thể chấp nhận được.
“Nếu
các trường có nhu cầu, Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng
đưa ra giải pháp để khắc phục giải quyết tỷ lệ hồ sơ “ảo”. Vì quyền lợi
của thí sinh, Bộ GDĐT và các trường ĐH, CĐ sẽ khắc phục khó khăn để làm
tốt nhất công tác thi và tuyển sinh năm 2016” – ông Trinh nhấn mạnh.
Được
biết, hiện nay nhiều trường đại học đã xích lại gần nhau để bàn bạc
thống nhất đưa ra phương án tuyển sinh cho nhóm trường như trường ĐH
Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Ngân hàng... Các nhóm
trường này sẽ công bố phương án tuyển sinh của mình trong thời gian tới.