Thông suốt trong quản lý
Có
thể nói, ứng dụng công nghệ nói chung và CNTT nói riêng trong quản lý,
giảng dạy đã được ngành GD&ĐT Hà Nội hết sức coi trọng. Điều này
được thể hiện ở việc Sở đã thành lập Ban chỉ đạo Ứng dụng CNTT của
ngành. Ngay từ đầu năm học,
Sở đã ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị cơ sở thực hiện chủ đề năm
học theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, đồng thời hướng dẫn cấu hình máy tính
phục vụ mua sắm thiết bị CNTT, thực hiện khai thác cổng thông tin điện
tử của ngành, quản lý và sử dụng hộp thư điện tử.
Tại Hà
Nội, tất cả các trường học hiện nay đều có kết nối Internet băng thông
rộng tối thiểu 2MB và hiện đang tiếp tục thực hiện chương trình “quang
hóa trường học” với mục tiêu 100% các trường học có kết nối Internet cáp
quang băng thông 4MB miễn phí hoặc giá cước ưu đãi.
Cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn triển khai sổ điểm điện tử
Ngành GD&ĐT Hà Nội đã triển khai xây dựng hệ thống cổng thông tin điện tử (www.hanoi.edu.vn)
và thường xuyên cập nhật thông tin về hoạt động giáo dục của ngành cho
nhân dân, cung cấp và truyền tải các thông tin về quản lý điều hành
trong ngành. Toàn ngành có 51 dịch vụ công mức độ 2 được cung cấp trên
Cổng thông tin của thành phố. 17/51 thủ tục hành chính về GD&ĐT được
công nhận phù hợp tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008. Các
phần mềm chuyên dụng: Quản lý khoa học, sáng kiến kinh nghiệm, quản lý
thư viện điện tử, quản lý học liệu điện tử, hệ thống báo cáo thống kê
trực tuyến được áp dụng thường xuyên, có trao đổi tự động dữ liệu giữa
bộ phận quản trị với người dùng, thống kê tổng hợp tự động.
Các phần
mềm hỗ trợ công tác quản lý đã được sử dụng thường xuyên trong các
trường học: Phần mềm xếp thời khóa biểu, phần mềm quản lý thư viện đề,
phát sinh đề và chấm thi trắc nghiệm... quản lý phòng máy tính, quản lý
đồ dùng thiết bị dạy học, quản lý phổ cập giáo dục, quản lý và chăm sóc
suất ăn cho trường Mầm Non...
Đặc biệt,
để giúp cho giáo viên bớt gánh nặng trong việc vào điểm, tính điểm của
học trò, từ năm học 2016 – 2017, ngành GD&ĐT đã áp dụng phần mềm
quản lý sổ điểm điện tử cho 870 trường THCS, THPT và trung tâm GDTX, với
gần 600.000 học sinh. Phần mềm giúp các nhà trường quản lý hồ sơ học
sinh, cập nhật kết quả chi tiết các môn học một cách nhanh chóng, thuận
tiện, an toàn.
Sở
GD&ĐT Hà Nội là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng, triển
khai hội thảo, họp phổ biến công tác, giao ban qua mạng hàng tháng. Sở
tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến với các cơ sở giáo dục như: tổng kết
năm học và triển khai nhiệm vụ năm học (theo từng cấp học, theo từng chủ
đề nhiệm vụ); họp giao ban công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, họp
phổ biến quy chế thi và tuyển sinh đầu cấp (vào mầm non, lớp 1, lớp 6,
lớp 10 THPT); họp triển khai công tác phổ cập giáo dục, tập huấn sử dụng
phần mềm hỗ trợ công tác phổ cập giáo dục; họp tổng kết học kỳ, tổng
kết năm học (theo từng cấp học, ngành học)...
Đánh giá
về lợi ích của việc ứng dụng CNTT đối với cơ sở, Trưởng phòng GD&ĐT
huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Thanh khẳng định: Hoạt động của cổng thông tin
điện tử của ngành và các phần mềm được Sở triển khai đã tạo nhiều thuận
lợi cho cơ sở, giúp truyền tải, xử lý thủ tục, văn bản một cách nhanh
chóng. Hình thức họp trực tuyến được Sở tổ chức khiến các cán bộ quản lý
ở các quận, huyện ngoại thành phấn khởi bởi nó tiết kiệm nhiều thời
gian, công sức đi lại và cả chi phí. Trước đây, mỗi lần đi từ Sóc Sơn
đến trung tâm thành phố để họp phải vượt qua 30 đến 40 km nên rất vất
vả.
Theo
Trưởng phòng Nguyễn Văn Thanh, trong thời đại phát triển mạnh mẽ của
công nghệ, đặc biệt là CNTT, cộng với xu hướng liên kết hội nhập quốc tế
và toàn cầu hóa thì việc ứng dụng CNTT là vô cùng quan trọng. Để đào
tạo ra những thế hệ trẻ am hiểu về công nghệ và có khả năng hội nhập
quốc tế thì giáo dục đào tạo phải đi trước. Chính các nhà quản lý phải
biết ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành. Giáo viên phải biết tận
dụng lợi thế CNTT để nâng cao chất lượng bài giảng. Chính vì vậy, việc
ứng dụng CNTT được ngành giáo dục Sóc Sơn hết sức quan tâm. Đến nay, Sóc
Sơn có hệ thống mạng internet kết nối đến tất cả các trường trong địa
bàn huyện. Truyền tải thông tin, văn bản qua email cũng được thực hiện
thường xuyên. Ngoài ra, các phần mềm trong công tác quản lý, học bạ điện
tử và sổ liên lạc điện tử cũng được ngành GD&ĐT Sóc Sơn thực hiện
tích cực. Tất cả các trường của huyện cũng đã có website kết nối liên
thông với website của phòng giáo dục. Để học sinh không bị tụt hậu trong
thời đại cộng nghệ hiện nay, tất cả các trường tiểu học và THCS đã được
trang bị phòng máy tính để dạy học cho học sinh. Ngành GD&ĐT huyện
thường xuyên quan tâm đến việc nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ
giáo viên giảng dạy Tin học.
Thầy giáo
Phạm Quang Vinh - Hiệu trưởng trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc
Thăng Long cũng cho rằng, CNTT là công cụ hữu hiệu, không thể thiếu giúp
nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức, giảm chi phí, nâng cao hiệu
quả đào tạo, đồng thời đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường lao động.
Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long đã áp dụng phần mềm
quản lý công việc theo kiểu dự án để giao việc, kiểm soát thời gian làm
việc và đánh giá chất lượng công việc của lãnh đạo và nhân viên, giáo
viên trong trường. Bên cạnh đó, trường cũng quản lý mỗi học sinh sinh
viên theo một mã duy nhất, việc này giúp theo dõi học sinh trong suốt
khóa học, dù học sinh đó tham gia các giờ học ở những lớp khác nhau,
song song 2 chương trình... Trường cũng ứng dụng CNTT để thu thập ý kiến
phản hồi từ người học dựa trên các phiếu nhận xét sau mỗi môn học, tin
nhắn hoặc qua email...
Thuận tiện trong tuyển sinh
Một trong
những điểm mới đáng chú ý trong năm 2016 của ngành GD&ĐT Hà Nội là
lần đầu tiên Hà Nội thực hiện tuyển sinh đầu cấp (vào mầm non, lớp 1,
lớp 6) bằng phần mềm trực tuyến. Việc này đã giúp giảm bớt áp lực tuyển
sinh, đồng thời tạo thuận lợi cho CMHS trong việc đăng ký tuyển sinh.
Phần mềm
quản lý tuyển sinh đầu cấp cho toàn bộ 2.000 trường công lập trên địa
bàn thành phố. Đây là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực cải cách
hành chính, nhằm giảm áp lực tuyển sinh đầu cấp, cung cấp phương thức
tuyển sinh hiện đại rút ngắn thời gian, công sức của người dân và các
đơn vị giáo dục, đáp ứng yêu cầu bước đầu của việc xây dựng chính phủ
điện tử trong GD&ĐT; tạo sự công bằng, khách quan, minh bạch trong
công tác tuyển sinh tại thủ đô Hà Nội; đồng thời giúp cho công tác quản
lý, điều hành ngành ngày càng khoa học, hiệu quả.
Với hình
thức tuyển sinh này, CMHS thao tác chưa đầy 5 phút đã được thông báo
đăng ký thành công qua tin nhắn điện thoại. Sau đó chỉ cần chờ nộp hồ sơ
theo lịch hẹn của trường. Với các gia đình ở huyện ngoại thành không có
máy tính có thể đến trường và được các cán bộ tuyển sinh trực tiếp giúp
đỡ.
Theo tổng
kết của Sở GD&ĐT Hà Nội, trong thời gian tổ chức tuyển sinh trực
tuyến theo quy định là từ ngày 16 đến ngày 27/6, tỷ lệ đăng ký thành
công của phụ huynh trong việc sử dụng phương thức tuyển sinh trực tuyến
khá cao. Với tuyển sinh trẻ 5 tuổi, số lượng hồ sơ đăng ký thành công là
9.269 hồ sơ, đạt tỷ lệ gần 85% tổng số chỉ tiêu giao; tỷ lệ đăng ký
thành công ở tuyển sinh HS vào lớp 1 là 51%, tương đương với hơn 63
nghìn hồ sơ; với tuyển sinh HS vào lớp 6 là 58%, tương đương với hơn 61
nghìn hồ sơ đăng ký thành công. Một số huyện có tỷ lệ đăng ký tuyển sinh
trực tuyến rất cao như Mỹ Đức đạt 93%, Ba Vì 85%, Phú Xuyên 80%, Thạch
Thất 80%... Ở một số nơi, một số cấp học, tỷ lệ đăng ký tuyển sinh trực
tuyến còn thấp do có sự bỡ ngỡ, lạ lẫm trong lần đầu tiên thực hiện. Tuy
nhiên, sự mạnh dạn trong việc áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến
đã nhận được sự ủng hộ tích cực của nhân dân và cũng cho thấy sự nỗ lực,
quyết tâm của Thành phố Hà Nội, của Sở GD&ĐT Hà Nội trong việc ứng
dụng thành tựu của khoa học công nghệ để giải quyết các bài toán thực
tiễn.
Cùng với việc sử dụng phần mềm tuyển sinh trực tuyến, tại Hà Nội, các
thông tin về tuyển sinh được công khai trên Cổng thông tin điển tử của
Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT và các trường để phụ huynh kịp thời cập
nhật. Phụ huynh muốn biết các thông tin chỉ cần truy cập vào các trang
web đó để đọc, đồng thời nếu có thắc mắc có thể gọi điện trực tiếp thông
qua số điện thoại đường dây nóng hoặc điện thoại của lãnh đạo trực tiếp
quản lý được công khai trên các website này.
Hiệu quả trong dạy, học
Không phải ngẫu nhiên mà Bộ GD&ĐT lại đưa ra việc “Đẩy
mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục” là một trong 9
nhiệm vụ chủ yếu của năm học 2016 – 2017. Thực tiễn đã cho thấy, trong
thời đại hiện nay CNTT có vai trò vô cùng quan trọng trong đổi mới dạy,
học theo hướng phát triển năng lực của học trò và Hà Nội được đánh giá
là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước trong việc ứng dụng CNTT.
Đến
nay, tất cả các trường mầm non của Thủ đô đều được trang bị đủ máy tính
và máy chiếu đa năng phục vụ công tác quản lý và hỗ trợ giáo viên dạy
học, đảm bảo thông tin liên lạc và giúp giáo viên bồi dưỡng nâng cao
nghiệp vụ chuyên môn. 78,1% các trường Tiểu học, 81,7% THCS đều có phòng thực hành máy tính nối mạng nội bộ (LAN)
và Internet. Mỗi tổ bộ môn trong các trường tiểu học, THCS có riêng máy
tính được kết nối mạng Internet để giáo viên chuẩn bị bài giảng có ứng
dụng CNTT. Tất cả các trường THPT, TCCN, TT GDKTTH, TT GDTX đều có tối
thiểu một phòng thực hành máy tính nối mạng. 64,6% trường trực thuộc Sở
có người chuyên trách CNTT, quản lý phòng máy tính. Việc bổ sung máy
chiếu đa năng, hỗ trợ công tác giảng dạy, học tập, thuyết trình của giáo
viên và học sinh cũng được ngành GD&ĐT quan tâm, đảm bảo 100%
trường học đều có máy chiếu hoặc màn hình thông minh hoặc tivi phục vụ
công tác giảng dạy.
Để
khai thác và sử dụng các thiết bị máy móc hiệu quả, yếu tố con người
cần phải được coi trọng. Chính vì vậy, ngành GD&ĐT thường xuyên bồi
dưỡng ứng dụng CNTT cho giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý. Năm
2016, Sở đã chỉ đạo và tổ chức cho hơn 5.000 học viên là cán bộ quản lý,
chuyên viên phòng GD&ĐT, giáo viên và nhân viên các cấp học tham
dự.
Các phòng
GD&ĐT và nhiều trường học trên địa bàn thành phố cũng chủ động tổ
chức nhiều lớp bồi dưỡng tin học cơ bản, bồi dưỡng chuyên đề cho cán bộ
quản lý, giáo viên và nhân viên nhằm nâng cao năng lực ứng dụng CNTT
trong công tác dạy học và quản lý nhà trường.
Trưởng
phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Thanh cho biết: Việc ứng dụng
CNTT có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của huyện
bởi giáo viên có thể chủ động khai thác kho học liệu điện tử khổng lồ.
Qua máy tính kết nối internet, họ có thể chia sẻ với nhau những bài
giảng hay, sáng kiến kinh nghiệm thiết thực để học hỏi lẫn nhau để giúp
học sinh hứng thú hơn trong mỗi giờ giảng.
Đánh giá
về việc hiệu quả của việc ứng dụng CNTT trong đổi mới dạy học, thầy giáo
Nguyễn Thế Hùng – Phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Nguyễn Huệ khẳng
định: Việc sử dụng linh hoạt các phần mềm dạy học, phần mềm xử lý âm
thanh, xử lý hình ảnh, cùng với các thiết bị có ứng dụng CNTT trong dạy
học như máy tính, projector, đường truyền internet tốc độ cao, thiết bị
ghi âm, chụp hình, quay phim máy quét hình và một số thiết bị khác, cộng
với tư duy đúng đắn về phương pháp dạy học, mỗi giáo viên đã nâng cao
chất lượng dạy học ở mỗi bài, mỗi chuyên đề, từ đó đáp ứng một cách đa
dạng cho các đối tượng học sinh.